Luật Di trú Mỹ sửa đổi: Ảnh hưởng lớn đến việc bảo lãnh thân nhân và xuất khẩu lao động
Ngày 17.5, hành pháp Mỹ đã đạt được thỏa thuận với một số thượng nghị sĩ Mỹ then chốt cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về Luật Di trú sửa đổi, một vấn đề được xem là nóng bỏng nhất hiện nay ở Mỹ. Nếu dự luật được thông qua thì Tổng thống Bush tuyên bố sẵn sàng ký ban hành vào cuối mùa hè này. Theo dự kiến, dự luật sẽ được đưa ra thảo luận tại Thượng viện Mỹ trong tuần này. Nhận thấy điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề di trú, nhất là việc bảo lãnh thân nhân và việc đi lao động ở Mỹ, chúng tôi xin được giới thiệu các nét chính của dự luật này. Hợp pháp hóa cho di dân lậu Chương trình cải cách luật di dân - được xem là có ý nghĩa nhất trong vòng 41 năm qua - bao gồm các nét chính: - Dành quy chế hợp pháp cho các di dân lậu hiện có mặt tại Mỹ (khoảng trên 12 triệu người), củng cố đường biên giới, kể cả việc lập bức "tường thành" với phía ranh giới giáp Mexico. - Hạn chế các loại đơn bảo lãnh thân nhân, kể cả việc loại bỏ một số bảo lãnh như anh chị em ruột bảo lãnh cho nhau, cha mẹ bảo lãnh cho con đã trưởng thành. Vấn đề người nhập cư, lao động bất hợp pháp vốn gây nhiều tranh cãi từ lâu nay ở Mỹ, nhất là vào các mùa bầu cử. Mức độ nhập cư hiện nay cũng đang gây lo ngại cho dân chúng Mỹ kể từ khi dân số nước này vượt ngưỡng 300 triệu. Đây được xem là một trong những vấn đề mấu chốt mà Tổng thống Bush muốn "thanh toán" trước khi mãn nhiệm kỳ. Thỏa thuận trong dự thảo luật - theo lời thượng nghị sĩ (TNS) D. Feinstein - là dẫn tới việc "cấp quy chế hợp pháp cho những người hiện đang có mặt trên lãnh thổ Mỹ một cách bất hợp pháp". Theo đó, họ sẽ ra trình diện để được nhận chiếu khán loại Z (Z visa) sau khi đóng lệ phí cùng 5.000 USD tiền phạt; rồi sẽ nhận được thẻ xanh - tức quy chế thường trú nhân - trong thời hạn từ 8 đến 13 năm. Tin tức về thỏa thuận này lập tức gây phản ứng nơi hàng vạn cư dân ở nước láng giềng Mexico. Họ cho như thế là bất công, vì họ là những lao động phổ thông, là những "người đàng hoàng", đang chờ để được đi lao động ở Mỹ qua con đường hợp pháp, thì nay, thỏa thuận này xem như đã chặn đứng đường đi của họ vì Chính phủ Mỹ sẽ ưu tiên giải quyết công việc cho những người hiện diện trên đất Mỹ. Họ là những người trông mong đổi đời nhờ đi lao động ở Mỹ với mức lương 7 đến 9 USD/giờ, trong khi làm việc nguyên ngày ở Mexico chỉ nhận được khoảng 10 USD với các công việc ở nông trang hay các công trường xây dựng. Hằng năm, những người Mexico ở Mỹ chuyển về nước khoản tiền lên tới 23 tỉ USD (Nguồn: AP). Cha mẹ không được bảo lãnh cho con đã trưởng thành, anh chị em ruột không được bảo lãnh cho nhau? Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, TNS Dân chủ H.Reid bày tỏ những quan ngại liên quan đến việc hạn chế bảo lãnh thân nhân đến định cư ở Mỹ cũng như cấu trúc của chương trình công nhân khách (guest worker). Về bảo lãnh thân nhân, một số điểm chính được tiết lộ bao gồm việc giới hạn tối đa việc bảo lãnh thân nhân qua diện đoàn tụ gia đình, mà các nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích là di trú theo kiểu dây chuyền (chain immigration), tức một người qua đến đất Mỹ rồi thì tìm cách bảo lãnh cha mẹ, vợ con, anh chị em đi theo. Thỏa thuận dự kiến sẽ bãi bỏ đơn của cha mẹ xin bảo lãnh cho con đã trưởng thành và các đơn anh chị em bảo lãnh cho nhau (các hồ sơ nộp trước tháng 5.2005 được cứu xét, các hồ sơ sau hạn đó bị bác bỏ). Các hồ sơ con bảo lãnh cho cha mẹ từ trước đến nay được xem là "ngoại hạng" - tức không xếp vào ưu tiên 1, 2, 3... và không bị áp đặt chỉ tiêu - thì nay, được xếp vào ưu tiên 1 và có mức chỉ tiêu là một năm sẽ nhận bao nhiêu hồ sơ thôi. Diện bảo lãnh vợ chồng, hôn thê hôn phu và con vị thành niên của công dân Mỹ vẫn được xếp "ngoại hạng", không hạn chế chỉ tiêu. Các nghị sĩ cũng có đưa ra đề nghị là trong tương lai, các trường hợp anh chị em bảo lãnh cho nhau và cha mẹ bảo lãnh cho con đã trưởng thành được "thi đấu" với những lao động kỹ thuật (skilled workers) dựa trên một số tiêu chuẩn ưu tiên được chấm điểm như: nghề nghiệp chuyên môn mà xã hội Mỹ đang cần (50% điểm số), trình độ học vấn (25%), khả năng tiếng Anh (15%) và liên hệ gia đình (10%). Ngoài ra, thị trường lao động Mỹ sẽ mở cửa đón nhận thêm lao động bậc cao, lao động có tay nghề - theo diện được cấp visa H-1B - với mức chỉ tiêu hiện nay là 65.000 người/năm đang được vận động để tăng lên thành 115.000 rồi 180.000 người/năm. Tuy nhiên, trên đây chỉ mới là thỏa thuận đạt được giữa Nhà Trắng và một số TNS then chốt, vấn đề còn được tranh luận gay go ở Thượng viện và nhất là sau đó, còn phải được Hạ viện thông qua. Theo các nhà quan sát, để đạt được sự đồng thuận và được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua, dự luật chắc chắn sẽ còn được tu chính. Cần biết là nhiều thành viên Hạ viện Mỹ không dễ gì chấp nhận một đợt "đại xá" cho những người nhập cư bất hợp pháp như vậy. Hạ viện Mỹ từng thông qua một dự luật cứng rắn, không những đối với đối tượng này, mà còn cả với những doanh nghiệp thuê mướn họ. |